Breaking News

TÔI LÊN KẾ HOẠCH GIAO DỊCH FOREX NHƯ THẾ NÀO?







TÔI LÊN KẾ HOẠCH GIAO DỊCH FOREX NHƯ THẾ NÀO?

Bạn lên kế hoạch giao dịch forex như thế nào? Hay bạn thậm chí còn chưa bao giờ có một kế hoạch giao dịch forex (tôi nghĩ rằng rất nhiều bạn như vậy) ?

Những việc hằng ngày mà bạn vẫn làm để đánh giá thị trường, tính toán điểm vào điểm ra, … là những việc gì? Hay bạn cũng chẳng hay làm những thứ như thế thường xuyên, ngày này qua ngày khác (…)?

Bản thân tôi cũng đi lên từ một người không biết một chút nào về forex, lờ mờ về phân tích cơ bản, tương đối lạ lẫm với những cây nến Nhật, mắc hầu hết những sai lầm từ nặng đến rất nặng, … thế nên tôi rất hiểu những gì mà phần đông các bạn đang trải qua.

Bài viết này hi vọng sẽ giúp được thêm các bạn một chút, và rất có thể, bạn sẽ nhận ra chính mình đang tự làm khó mình trên con đường trở thành một nhà giao dịch ngoại hối thành công (trong dài hạn). Giao dịch forex thành công chẳng phải điều gì quá cao siêu mà chỉ những người có chỉ số thông minh cực cao mới làm được, cái bạn cần là nhìn vào trong chính con người mình, hiểu mình và cố gắng, thật cố gắng kiểm soát tâm lý bản thân thật tốt.

Tôi mong rằng bạn sẽ nhận ra điều này thật sớm.

TÔI LÊN KẾ HOẠCH GIAO DỊCH RA SAO?

Sau khi ngủ dậy và làm xong các việc cá nhân, tôi bật máy tính, check email và check một số dự án khác ngoài forex. Xong xuôi rồi tôi mở phần mềm giao dịch ngoại hối MT4 và quan sát nhanh những gì đã diễn ra đối với các cặp tiền vào đêm qua.

Rất tiện lợi khi lúc tôi ngủ dậy (khoảng 6h sáng Việt Nam) thì cũng là khoảng thời gian mà phiên giao dịch Mỹ đóng cửa. Đây là thời điểm hoàn hảo để tôi quan sát thị trường (theo dữ liệu cuối ngày giao dịch Mỹ) để tìm kiếm một dấu hiệu price action có xác suất thắng cao để vào lệnh. Hãy tưởng tượng phiên giao dịch Mỹ (vào buổi tối Việt Nam) là thời gian diễn ra trận đánh giữa bò và gấu, lúc này giá giao động rất mạnh, hai bên giá lên giá xuống đánh nhau rất ác. Ngược lại khi kết phiên (vào buổi sáng ở Việt Nam) thì trận đấu đã tàn, người ta có thể nhận định được rõ ràng nhất hai bên (bò và gấu) vào lúc này.

Sau đó, dù có lệnh hay không có lệnh được đưa vào thị trường, thì tôi cũng tắt máy tính và đi làm việc khác, thường là ra phòng gym (hãy nhớ rằng sức khoẻ thể chất liên quan mật thiết đến sức khoẻ tinh thần, bạn nên cố gắng dành thời gian để tập một môn thể thao nào đó).

Buổi trưa sau khi ăn xong, tôi lại quan sát các thị trường lần nữa, dựa trên những gì tôi quan sát lúc sáng. Nếu có gì hiển nhiên đập vào mắt, tôi sẽ ngay lập tức hành động. Nếu không có, tôi lại tắt máy tính đi và đi ngủ trưa hoặc làm các công việc khác.

Nói chung, tôi không ngồi cả ngày để cố tìm kiếm một điều gì đó mà nó chắc chắn không có ở đó. Nếu không có điều gì khiến tôi ngay lập tức lưu tâm khi mở bảng điện tử buổi sáng, thì tôi sẽ không lưu tâm nhiều đến chúng trong khoảng 8-12 tiếng tiếp theo. Nhiều bạn khi mới bước chân vào giao dịch forex, tưởng tượng rằng công việc này sẽ thật hoành tráng, thú vị nhưng không phải, giao dịch ngoại hối nên (phải) là một công việc rất nhàm chán và không có cảm xúc.

Tôi tập trung quan sát dữ liệu cuối ngày giao dịch, như trong nhiều bài viết khác đã đề cập đến trong blog này. Và tôi quan sát những biến động đủ lớn (nến H4, D1, hạn chế H1) chứ không phải những đụn sóng nhỏ dập dình một cách ngẫu nhiên (m5,m15,m30, …).

Về cơ bản, tôi khuyên bạn chỉ nên dành khoảng từ hai mươi đến ba mươi phút, hai đến ba lần một ngày. Mỗi lần cách nhau từ tám đến mười hai tiếng. Chúng hướng đến hai điểm :

1) Nếu không có gì hiển nhiên đập ngay vào mắt bạn khi mở bảng điện vào buổi sáng, có nghĩa cũng không có thiết lập lệnh nào rõ ràng và xứng đáng để bạn mạo hiểm đồng tiền quý giá của mình vào thị trường (hãy nhớ tôi đã viết rất nhiều lần : cứ khi nào bạn vào một lệnh, thì khi ấy bạn đã đưa tiền của mình vào thế rủi ro).

2) Bạn càng ngồi lâu, bạn càng dễ vào những lệnh giao dịch ngu ngốc, bạn càng làm tổn hại đến sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần, bạn càng tiêu đi thời gian có hạn đáng ra nên để dành cho những công việc khác mang nhiều ý nghĩa hơn, … Đó là cách mà bạn mất tiền (và có thể cả nhiều điều khác nữa). Hãy làm quen với việc ở trong trạng thái không giao dịch, tận hưởng nó chứ đừng nôn nóng và có ý nghĩ rằng giao dịch càng nhiều thì kiếm tiền càng nhiều và càng nhanh (đây là lối suy nghĩ thường gặp của người mới, áp dụng với ngay chính bản thân tôi những ngày đầu điên cuồng giao dịch). Tiền trong tài khoản nên được để dành cho những cơ hội rõ ràng và có xác suất thắng cao.

CÁC PHÂN TÍCH VÀ THIẾT LẬP LỆNH

Giả sử rằng khi mở máy tính lên vào sáng nay, tôi thấy một dấu hiệu (những thiết lập nến) gì đó khiến tôi ngay lập tức chú ý, đây là những gì tôi sẽ làm tiếp theo :

Tôi sẽ phân tích sâu hơn về thị trường ngoại hối đó để xem xem cái dấu hiệu đã khiến tôi ngay lập tức chú ý ấy có xứng đáng để mạo hiểm tham gia hay không?

Tôi tìm kiếm những thứ như : xu hướng? Xu hướng của nến (W1,D1) đang là gì, nếu có (nhiều thị trường rơi vào tình trạng giằng co, không có xu hướng rõ ràng)? Có ngưỡng (ngưỡng hỗ trợ, ngưỡng kháng cự) nào gần đó không? Dấu hiệu lệnh (thế nến) tôi thích có cùng hướng với xu hướng hay ngưỡng hiện tạikhông?

Tỉ lệ rủi ro/lợi nhuận (risk/reward) có thể đạt được trong khoảng bao nhiêu? Liệu tôi có thể đạt được tối thiểu tỉ lệ 1:2 hoặc tốt hơn (đôi khi với những điều kiện thị trường riêng biệt, tôi chấp nhận tỉ lệ 1:1 không hơn) trước khi giá tìm đến một ngưỡng (cản/hỗ trợ) khác không?

Bạn có nhớ đến T.L.S mà tôi đã đề cập đến trong các bài viết khác? Đó là Trend (xu hướng), Level (ngưỡng), Signal (dấu hiệu). Tôi muốn có ít nhất 2/3 trong chúng để xem xét một lệnh giao dịch có đáng để mạo hiểm tiền hay không?

Giả sử tôi vừa đưa một lệnh forex vào thị trường, thì sau đó, tôi sẽ không ngồi đấy và nhìn chằm chằm vào nó, bạn đừng bao giờ làm vậy. Hãy để cho nó yên, hãy để cho thị trường làm nốt công việc của nó và thoải mái đi làm những công việc khác. Thường thì tôi sẽ ngó qua lệnh trước khi đi ngủ, nhưng cũng đôi khi không. Nó còn tuỳ thuộc vào việc tôi có bận gì vào buổi tối hay là không.

Điều tôi muốn nói ở đây là : tôi không để lệnh giao dịch ảnh hưởng đến mình. Quan trọng là chẳng phải tôi đã nghiên cứu, tính toán thật kỹ trước khi quyết định có giao dịch hay không sao? Chẳng phải tôi đã ước tính được chính xác SỐ TIỀN (chứ không phải số % tài khoản) chịu cắt lỗ và hoàn toàn thoải mái với số tiền ấy nếu mất sao? Thế thì tại sao tôi lại phải bận tâm đến chúng?

Dù bất kể bạn làm gì, đừng bao giờ kỳ vọng rằng bạn sẽ thắng mọi lệnh giao dịch, điều này là hoang tưởng và có phần … ngu ngốc. Kỳ vọng chiến thắng ở một lệnh giao dịch chính là công thức cho cảm xúc bắt đầu.

TỔNG KẾT

Đây là cái nhìn lướt qua về phương pháp/phong cách giao dịch của tôi và có thể nó sẽ giúp bạn về cơ bản tự xây dựng phương pháp giao dịch cá nhân của chính mình. Nên nhớ, mỗi người chúng ta đều có một tính cách riêng biệt, một hoàn cảnh riêng biệt, … thế nên phương pháp giao dịch cũng sẽ (phải) là riêng biệt, và phù hợp với chỉ bản thân người đó.

Đừng bao giờ giao dịch mà không có kế hoạch. Một kế hoạch được xây dựng sẽ giúp nhà giao dịch luôn đúng hướng trên con đường mà anh ta vạch ra, sẽ giúp anh ta hạn chế cảm xúc từ những gạch đầu dòng khô khan.

Mọi nhà giao dịch ngoại hối cần học để xây dựng được cho mình một phương pháp giao dịch phù hợp, trước khi anh ta thật sự biết và hiểu mình đang làm gì.

(Sưu tầm)

No comments