Sông tuy sâu nhưng còn thấy đáy, lòng người dẫu nông mà lại khó lường: Đừng lỡ lời nói 9 điều này mới là người khôn ngoan
Khôn ngoan đến mấy cũng không thể lấy thước mà đo lòng người, nên chỉ có thể cẩn trọng ngôn hành, tính toán kỹ lưỡng lời ăn tiếng nói, không tự tay dâng nhược điểm ra cho người ngoài lợi dụng.
Khi bước chân vào môi trường mới, dù là học tập hay làm việc, chúng ta sẽ luôn hy vọng rằng có thể xây dựng được những mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh. Trong công sở, đây lại là nhu cầu càng quan trọng hơn cả vì mỗi ngày, chúng ta sẽ sử dụng 8-10 tiếng tại đây. Nếu không có những đồng nghiệp thân thiết cùng giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, cùng trò chuyện tâm sự trong thời gian rảnh rỗi… thì rất khó có thể trụ được lâu dài.
Thế nhưng, lòng người lúc nào cũng vô định và khó lường. Các mối quan hệ cũng không thể luôn ở trạng thái tốt đẹp như chúng ta mong muốn.
Có rất nhiều tình huống ngoại cảnh và nội tại có thể thay đổi bản chất của một mối quan hệ. Chẳng hạn như, khi người khác có năng lực tương đương với bạn, thành tựu tương đương với bạn, nhưng có thể nhận lương cao hơn chỉ vì thâm niên cao hơn bạn vài tháng, như vậy, bạn có thể đảm bảo tâm tình của mình không xuất hiện cảm giác ghen tị, khó chịu, bất mãn hay oán giận hay không?
Chưa kể đến, mục tiêu của mỗi người khi bước chân vào xã hội đều là không ngừng phấn đấu để ngày một tiến thân, đạt được những vị trí cao và xa hơn nữa. Khi mục tiêu của người này ảnh hưởng tới lợi ích của người kia, chẳng lẽ mối quan hệ giữa họ có thể yên bình hay sao?
Điều nguy hiểm nhất là các mối quan hệ của người trưởng thành thường thay đổi bản chất trong thầm lặng. Nhiều khi, chúng ta coi họ là bạn bè thân thiết nhất, chia sẻ rất nhiều chuyện quan trọng trong lòng, nhưng họ có thể coi đó là vũ khí để tấn công lại chính bạn.
Do đó, sống trên đời này, tâm hại người không nên có, nhưng tâm phòng người nhất định phải có. Người khôn ngoan thì luôn biết điều gì nên nói, điều gì nên làm. Đặc biệt, với 9 điều sau đây, hãy giữ kín trong lòng, đừng để chúng ra khỏi miệng kẻo dính vào thị phi.
1. “Cảm thấy anh A, chị B… không đủ năng lực”
Trong bất cứ đội nhóm, đoàn thể nào, luôn có một số người nào đó thể hiện năng lực yếu kém nhất. Đôi khi, sự tồn tại của nhóm người này còn là dư thừa, thậm chí ảnh hưởng không tốt tới tập thể chung.
Tuy nhiên, nếu bạn không có khả năng thay đổi năng lực của họ, cũng không có quyền để trục xuất họ, thì lời nói của bạn chỉ đơn thuần là “nói xấu sau lưng”, không đem lại chút tác dụng nào mà lại gánh thêm tiếng xấu.
2. “Công việc hiện tại thật chán chường/mệt mỏi…”
Đây là câu nói tối kỵ nhất trong môi trường làm việc. Khi bạn công khai thể hiện suy nghĩ và thái độ như vậy, tinh thần tập thể vô hình chung cũng bị yếu đi, trong khi ngoài khi còn có rất nhiều người mong muốn một vị trí như bạn. Chắc chắn đồng nghiệp hay lãnh đạo sẽ không thích nghe điều này.
3. Luận điểm nông cạn về chính trị hoặc tôn giáo
Người xưa có dạy: “Không biết dựa cột mà nghe”. Ở những vấn đề mang tính nghiêm trọng như chính trị và tôn giáo, tuyệt đối đừng bàn luận mà không có sự tìm hiểu thấu đáo. Những quan điểm bất đồng trong khía cạnh này rất dễ sinh ra xung đột, bất hòa lâu dài.
4. Công khai mức lương
Mức lương và thu nhập thực tế luôn là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, khiến lòng người dễ nảy ra tâm lý so sánh và ghen tỵ nhiều nhất. Khi đó, mọi người xung quanh sẽ vô thức đổ dồn ánh mắt để theo dõi hiệu suất công việc, thành tựu, năng lực của bạn có xứng đáng với mức lương đó hay không. Cảm giác bị soi mói, xét nét sẽ khiến quá trình công tác của bạn gặp nhiều áp lực hơn.
5. Bàn luận về thông tin riêng tư của người khác
Những khía cạnh mà bản thân không muốn nói ra thì cũng đừng tò mò hay bàn luận gì về người khác. Bất kể đó là chuyện gia đình, bạn bè, người yêu, kết hôn hay ly hôn… thuộc về phạm trù riêng tư. Khi không được chủ động chia sẻ thì đó vẫn là chuyện riêng của người khác, không quan hệ gì tới bản thân.
6. Tiết lộ quá nhiều về sinh hoạt cá nhân
Chia sẻ quá nhiều thông tin về đời sống, sinh hoạt cá nhân một cách bừa bãi, không chọn lọc sẽ làm xấu đi hình tượng của bản thân trong mắt người khác. Đặc biệt là, trong thời đại hiện nay, việc sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo, Youtube… đang ngày một phổ biến. Giới trẻ cũng có xu hướng trải hết nỗi lòng trên trang cá nhân ảo.
Như vậy, nếu đồng nghiệp hoặc sếp của bạn tình cờ nhìn thấy những dòng trạng thái oán trách công ty yêu cầu tăng ca, thường xuyên ăn chơi nhậu nhẹt tới khuya, nói năng thô lỗ cộc cằn với người khác… chắc chắn họ sẽ thay đổi cái nhìn về con người bạn.
7. Chuyện “vợ chồng”
Cho dù giới tính của bạn là gì, tính cách phóng khoáng ra sao, thì cũng nên hạn chế chủ đề câu chuyện trong mức độ thông dụng thường ngày, đừng tăng rating lên 18+, khoe khoang những vấn đề không cần thiết. Có thể bạn tự nhận mình rất hài hước khi trêu đùa chuyện “nhạy cảm” nhưng người nghe khó tính sẽ cảm nhận sự không thoải mái, thậm chí là bị mạo phạm.
8. Lộ ý định “nhảy việc”
Cho dù bạn đã lên kế hoạch rời công ty từ lâu hay mới nảy sinh suy nghĩ này thì cũng không nên để lộ khi mọi việc chưa hoàn thành. Đợi khi quyết định chính thức đã được đưa ra, lãnh đạo cũng phê duyệt, hãy thông báo cho những người khác biết. Nếu không, chỉ cần bạn vô ý tạo ra 1 chút sai lầm nào, họ cũng sẽ nghĩ “chuẩn bị nghỉ việc nên cố tình chểnh mảng đây mà”. Điều này sẽ để lại ấn tượng cuối cùng không thiện cảm trong lòng người.
9. Khoe khoang thành tích quá khứ
Bất kể quá khứ bạn làm nên thành tựu gì thì đó cũng chỉ là một trong những sự kiện đã qua. Nếu có lòng chú ý, mọi người sẽ biết. Nếu không bận tâm, dù bạn kể lể hay khoe khoang liên tục, họ cũng chẳng buồn để ý. Với những người khó tính, đôi khi họ còn thêm phần khó chịu với thái độ của bạn.
No comments