Mất 40.000 USD trong 1 tháng chỉ vì muốn thể hiện, tôi nhận về bài học còn quý hơn vàng: Giàu có về vật chất đôi khi cũng chỉ là một gánh nặng
Đa số những thứ phù phiếm mà chúng ta mua là gánh nặng, chứ không đem lại hạnh phúc như chúng ta nghĩ.
Có những kinh nghiệm chúng ta chỉ học được khi mất tiền, chứ không phải khi làm ra tiền. Khi mất tiền, chúng ta mới hiểu được điều gì có lợi, điều gì gây hại.
Một nghiên cứu cách đây vài năm chỉ ra, chỉ có 1/3 số người trẻ đầu tư vào thị trường chứng khoán và có tới hơn 61% số người không dám làm vì sợ.
Tôi cũng từng trải qua nỗi đau như vậy rất nhiều lần. Các chuyên gia luôn khuyên bạn nên đầu tư chứng khoán, đầu tư bitcoin, mua tài sản… như thể bạn khờ khạo tới mức chưa từng thử.
Việc mất 40.000 USD đã khiến tôi thay đổi cái nhìn về tiền bạc. Chuyện xảy ra khi tôi đang say sưa trong niềm vui kinh doanh và quyết định mua một chiếc siêu xe để chứng tỏ bản thân. Tôi đã mua chiếc xe, để rồi phải bán nó đi khi thu nhập tụt dốc và các khoản nợ cứ ngày càng tăng cao.
Khi phải bán chiếc xe đi, tôi mới nhận ra mình đã vung tay quá trán. Dù đã tìm được người bán nhưng số tiền tôi nhận được chẳng thấm vào đâu so với số tiền nợ mua xe cùng những cơn đau đầu mà nó gây ra. Rốt cuộc, tôi đã mất tới 40.000 USD.
Thế nhưng lạ thay, tôi không hề thấy hối hận. Tại sao ư? Lý do là vì việc mất tiền đã dạy tôi vài bài học rất quan trọng.
Tiền không khiến bạn trở nên tốt đẹp hơn
Bạn có thể nghĩ rằng một chiếc siêu xe sẽ khiến bạn trông tuyệt hơn. Sẽ có nhiều người muốn làm ăn với bạn hơn, vợ/chồng sẽ thấy bạn hấp dẫn hơn, nhiều người sẽ muốn chơi với bạn hơn vì những gì bạn đã làm được.
Người ta truyền tai nhau rằng tiền bạc có thể mua được rất nhiều thứ và khiến cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn. Sự thực là tiền không khiến bạn trông tuyệt hơn.
Điều khiến bạn tốt đẹp hơn là con người mà bạn đã trở thành trong cuộc sống. Xã hội được tạo nên từ con người, không phải từ những tài sản vật chất mà họ sở hữu.
Khi tôi mất 40.000 USD cho chiếc siêu xe để rồi phải bán đi sau đó, những kẻ nông cạn xung quanh tôi biến mất và chỉ có những người thực sự tốt ở lại. Sau này, tôi được một người họ hàng cho một chiếc xe cũ, và kể cả khi nó không gây ấn tượng với ai, chuyện đó cũng chẳng còn quan trọng.
Mọi người vẫn đọc những thứ tôi viết dù tôi đi xe gì. Mọi người vẫn làm việc với tôi dù tôi đi xe gì. Đám con gái nông cạn muốn hẹn hò với tôi vì tiền cũng biến mất, nhường chỗ cho những người thực sự quan tâm tới con người tôi.
Đọc kỹ hợp đồng và lường trước phí bảo trì
Trong hợp đồng mua xe có rất nhiều “quả bom ẩn”. Vì chưa có lịch sử tín dụng nên bị tính thêm 20% lãi suất. Điều khoản này được chia nhỏ và giấu rất kỹ đằng sau những thuật ngữ pháp lý “đao to búa lớn”. Kể từ đó, tôi luôn thuê luật sư để nhờ đọc bất cứ giấy tờ gì mình không hiểu.
Tiền để bảo dưỡng siêu xe còn đắt hơn cả tiền tôi nợ để mua xe. Từ lúc mua xe đến giờ, tôi đã phải dùng đến rất nhiều dịch vụ để phát hiện các lỗi và vấn đề tiềm ẩn, mà cái nào cũng tốn hàng nghìn USD. Thế rồi ngay trước khi tôi bán xe, hàng loạt vấn đề xảy ra như mái che nắng hỏng, gương điện gặp trục trặc, một số động cơ bị nứt vì nóng. Tôi đã mất tới 5.000 USD cho việc sửa chữa để đảm bảo nó đủ tốt để chạy trên đường và bán cho người khác.
Những thứ phù phiếm chỉ khiến bạn thêm stress
Suốt thời gian sở hữu siêu xe, tôi lúc nào cũng bị stress.
TTôi bị stress vì ai cũng muốn phá hoại chiếc xe. Sau khi đỗ xe để vào siêu thị 10 phút, tôi quay trở lại và thấy chiếc xe của mình đã bị cào xước khắp nơi bằng chìa khóa. Chi phí sửa chữa tốn đến 10.000 USD bởi đó là màu sơn khá hiếm, nhưng may mắn thay, bảo hiểm đã chi trả phần lớn.
Kể từ lúc ấy, tôi lúc nào cũng lo lắng chuyện này sẽ xảy ra lần nữa. Và quả thực là như vậy. Những người khác mở cửa xe và quệt xước lớp sơn mới. Tấm chắn bị hỏng vì gầm xe thấp và bởi bộ body kit ngu ngốc mà tôi mua để thỏa mãn cái tôi.
Cứ mỗi lần lái xe tôi lại lo sợ: Liệu nó có hỏng và tốn tiền sửa không? Liệu người ta có phá hoại xe không? Niềm vui được sở hữu xe đã biến mất, chỉ còn lại nỗi lo sợ xe hỏng và phải mất tiền sửa. Chiếc xe chẳng khác nào một đứa trẻ, còn tôi là ông bố bị trói buộc.
Hạnh phúc không đến từ vật chất
Chúng ta cứ nghĩ những thứ phù phiếm mình mua sẽ đem lại hạnh phúc.
Nói một cách đơn giản, tài sản bỏ thêm tiền vào túi bạn, còn nợ nần lấy chúng ra. Quần áo, những món đồ xa xỉ, nhà cửa hay đồ công nghệ đều bắt bạn phải tiêu tiền.
Chiếc siêu xe mà tôi đã ngu ngốc mua chính là một món nợ. Tất cả những gì nó làm được là khiến tôi mất tiền. Sau khi bán nó đi và lỗ tới 40.000 USD, tôi bắt đầu học cách đầu tư và hiểu được tầm quan trọng của tài sản. Sau này, khi đã kiếm lại được khoản tiền đã mất, tôi dành một phần tiền tiết kiệm mua xe để mua cổ phiếu.
Đống cổ phiếu này tăng giá và đem về cho tôi một khoản kha khá, không giống như chiếc xe ngày càng giảm giá trị theo thời gian và đòi hỏi phải bảo dưỡng.
Nếu muốn mua một món đồ không sinh ra tiền, bạn hãy tự hỏi bản thân: “Liệu nó có đáng không?”
Đầu tư vào bản thân là khoản đầu tư sinh lời nhất
Không phải tài sản, lĩnh vực tôi tiêu nhiều tiền nhất là đầu tư vào chính bản thân mình.
Thay vì phải thay dầu xe, tôi mua vé tham gia các buổi hội thảo kỹ năng. Thay vì phải sửa mái chống nắng, tôi mua sách của những người thành đạt có cùng mục tiêu.
Thay vì nâng cấp xe vài năm một lần, tôi nâng cấp bản thân và trí tuệ liên tục, bỏ tiền ra cho bất cứ thứ gì giúp mình hoàn thiện hơn, chẳng hạn như một chiếc gối mới để ngủ ngon, thực phẩm hữu cơ để bổ sung năng lượng cho não bộ, thẻ tập gym để tăng cường hormone hạnh phúc và giúp người cân đối…
Ban đầu tôi mua siêu xe vì nghĩ rằng nó sẽ đem lại hạnh phúc cho mình, để rồi nhận kết quả ngược lại. Thứ khiến tôi thực sự hạnh phúc là đầu tư tiền cho các lĩnh vực khác có ích hơn.
***
Mất 40.000 USD cho một chiếc siêu xe là một sai lầm để bạn học hỏi, nhưng bạn không cần tự mình trải nghiệm điều đó. Hãy dành những đồng tiền quý báu mà bạn phải vất vả lắm mới kiếm được cho những thứ giúp bạn trưởng thành và tốt đẹp hơn. Chẳng ai quan tâm bạn trông ra sao hay sở hữu thứ gì. Điều họ quan tâm là con người bạn sau khi đầu tư vào bản thân.
Bài chia sẻ của Tim Denning - blogger người Úc, chuyên viết bài cho CNBC và Business Insider.
(Theo Medium)
No comments